Bệnh tiến triển âm thầm
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 7,8 triệu người mắc viêm gan B mạn tính, hơn 13.000 người bị xơ gan mất bù, gần 6.000 người bị ung thư tế bào gan và hơn 6.400 người tử vong do bệnh gan gây nên.
Có đến 60% người dân hiện nay chưa biết cách bảo vệ tế bào gan từ sớm. Điều này sẽ rất đáng lo ngại khi các bệnh lý về gan đang ngày càng phổ biến.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao nhất khu vực (10-15% nhiễm viêm gan B và 1-3% nhiễm viêm gan C). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến suy gan, xơ gan và ung thư gan.
Nhiều người bị nhiễm bệnh thường không cảm thấy có triệu chứng gì và thậm chí không biết là mình nhiễm bệnh. Khoảng 90% trẻ nhỏ sinh ra đã có mẹ mắc bệnh đều nhiễm bệnh viêm gan B.
90% nhiễm viêm gan vi rút B sẽ tự khỏi, còn khoảng 10% người nhiễm sẽ chuyển thành viêm gan B mạn tính. Mức độ tổn thương gan thay đổi từ nhẹ, vừa và nặng; mức độ tổn thương mô học liên quan đến độ trầm trọng của bệnh.
PGS Đỗ Duy Cường
Bệnh viêm gan B âm thầm, đôi khi gây ra các triệu chứng điển hình của viêm gan cấp với các biểu hiện như: thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người.
Bệnh có thể nặng hơn với triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm... nhưng người bệnh không điều trị bệnh có thể tự khỏi và số ít chuyển thành mạn tính. 10% còn lại này vi rút sẽ tấn công lá gan, do đó chúng ta không nên chủ quan và nghĩ rằng cứ khỏe mạnh bình thường, cứ uống rượu bia thoải mái.
Còn viêm gan C là bệnh lây truyền từ người mang vi rút viêm gan C sang cho người lành theo 3 con đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh.
Bệnh viêm gan C diễn biến thầm lặng, không có triệu chứng điển hình cho tới khi phát bệnh. Thống kê có tới 90% người nhiễm Viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm vi rút của mình.
Tuy vậy, triệu chứng đau và vàng da, vàng mắt đôi khi chỉ nhẹ, làm cho người bệnh không để ý, dễ bỏ qua mặc dù gan vẫn đang trong thời kỳ viêm rất nặng.
Thời kỳ bệnh toàn phát này có thể kéo dài khá lâu (khoảng 6 - 8 tuần) rồi bệnh tự khỏi không cần điều trị bất kỳ một loại thuốc gì.
Tuy vậy, số người bệnh tự khỏi này chỉ chiếm khoảng 15 - 30% các trường hợp (khác với viêm gan B là 90%). Số còn lại hoặc sẽ trở thành viêm gan C mạn tính hoặc trở thành người lành mang vi rút viêm gan C, có thể truyền cho người khác giống vi rút viêm gan B.
Chính vì vậy mà người bệnh thường nhầm lẫn hoặc chủ quan, dễ bỏ qua các triệu chứng ban đầu.
Bệnh ung thư nguy hiểm
GS Mai Trọng Khoa - Giám đốc Trung tâm ung bướu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư biểu mô tế bào gan đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư, là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ hai (chỉ sau ung thư phổi) trên toàn thế giới.
Tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất ở Châu Á và Châu Phi - nơi có tỷ lệ mắc viêm gan do virus viêm gan B và viêm gan C cao. Trong khi đó tỷ lệ mắc ung thư gan biểu mô tế bào gan thấp hơn nhiều ở các quốc gia phát triển thuộc khu vực Châu Mỹ và Châu u (trừ Nam u) - nơi có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan thấp.
Ở Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư hàng đầu về mức độ phổ biến cũng như tỷ lệ tử vong, chiếm 20,8% trong tổng số các loại ung thư, với số mới mắc khoảng hơn 23.000 người, nằm trong khu vực các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh rất cao.
Nguyên nhân của bệnh ung thư gan liên quan rõ rệt với viêm gan B, viêm gan C cũng như với bệnh lý xơ gan do rượu. Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm độc tố aflatoxin, dioxin…
Trong khi đó, ung thư gan lại phát hiện muộn thì thường tiên lượng xấu. Phần lớn các bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn nên ít bệnh nhân có khả năng điều trị được bằng các phương pháp triệt căn. Mặt khác, tỷ lệ tái phát bệnh sau điều trị phẫu thuật hoặc tiêu hủy khối u tại chỗ là rất cao.